Microsoft Surface Pro 9 sẽ không có quá nhiều điều để nói khi ngoài vi xử lý được cải tiến thì hầu như không có bất kỳ nâng cấp nào khác đáng kể so với người tiền nhiệm.
Microsoft Surface Pro 9 và Microsoft Surface Pro 8 giống nhau đến mức bạn sẽ khó nhận ra ngay cả khi đặt 2 thiết bị này bên cạnh nhau. Tuy nhiên, điểm nổi bật nhất trên Microsoft Surface Pro 9 đến từ tùy chọn 2 phiên bản vi xử lý khác nhau.
Trong phiên bản sử dụng chip Microsoft SQ3 ARM mới sẽ được hỗ trợ 5G lần đầu tiên trên dòng máy tính bảng Surface. Bên cạnh đó, Surface Pro 9 chạy chip SQ3 cũng là phiên bản duy nhất có thể tận dụng các tính năng của nhân xử lý thần kinh (NPU) mới.
Mức giá và cấu hình của Surface Pro 9
Mục lục
- 1 Mức giá và cấu hình của Surface Pro 9
- 2 Thiết kế tương tự người tiền nhiệm, Surface Pro 9 vẫn đẹp nhưng không đột phá
- 3 Cổng kết nối hạn chế nhưng đủ dùng
- 4 Màn hình 3:2 rộng rãi, hiển thị chất lượng
- 5 Âm thanh không ấn tượng, âm lượng vừa đủ
- 6 Hiệu năng cải thiện, SQ3 đầy tiềm năng
- 7 Chọn Intel hay ARM trên Surface Pro 9
- 8 Thời lượng pin cải thiện so với người tiền nhiệm
- 9 Webcam và phần mềm
- 10 Surface Slim Pen 2 và Surface Pro Signature Keyboard
- 11 Tóm lại
Microsoft Surface Pro 9 hiện có thể đặt hàng ngay trên trang chủ của Microsoft Store với giá khởi điểm từ 999 USD (khoảng 24.8 triệu đồng) cho phiên bản sử dụng vi xử lý Intel Core i5 Gen 12, RAM 8GB, bộ nhớ SSD 128GB và kết nối Wi-Fi.
Còn đối với phiên bản sử dụng vi xử lý ARM Microsoft SQ3 sẽ có giá từ 1299 USD (khoảng 32.4 triệu đồng) để sở hữu cấu hình tiêu chuẩn với dung lượng RAM 8GB, bộ nhớ SSD 128GB và kết nối 5G.
Còn phiên bản đang được sử dụng trong bài viết sẽ sở hữu cấu hình rất cao cấp với vi xử lý Intel Core i7 Gen 12, dung lượng RAM 16GB, bộ nhớ SSD 256GB và có mức giá khoảng 1599 USD (khoảng 40 triệu đồng).
Thiết kế tương tự người tiền nhiệm, Surface Pro 9 vẫn đẹp nhưng không đột phá
Microsoft đã không thay đổi thiết kế của Surface Pro 9 và cũng chẳng có nâng cấp nào đáng kể về ngoại hình. Chiến lược này không phải mới và người dùng chắc hẳn cũng quen thuộc với những sản phẩm đến từ nhà “Táo”. Giữ nguyên thiết kế vẫn còn đẹp trên phiên bản cũ thì không có gì để phản đối nhưng sẽ gây nhàm chán với người dùng.
Cả 2 phiên bản Microsoft Surface Pro 9 (có và không có 5G) đều có kích thước tương đồng nhau 11.3 x 8.2 x 0.37 và nặng khoảng 880g. Về ngoại hình, Surface Pro 9 được hoàn thiện từ chất liệu nhôm nguyên khối được sơn anodized tĩnh điện, có chân đỡ kickstand ở cạnh dưới và kết nối từ tính với bàn phím. Vẫn như những dòng Surface Pro khác, phiên bản thứ 9 vẫn đủ gọn và nhẹ để có thể di chuyển dễ dàng.
Surface Pro 9 mang tới nhiều tùy chọn màu sắc để bạn có thể lựa chọn cho phù hợp với cá tính của bản thân nhất bao gồm Bạch kim, Graphite, Sapphire và Forest. Tuy nhiên, trên phiên bản sử dụng chip Intel chỉ có duy nhất màu bạch kim nên việc lựa chọn sẽ hạn chế đi đôi chút. Mặc dù vậy màu bạc kim vẫn là màu sắc huyền thoại của dòng máy và rất đẹp.
Cổng kết nối hạn chế nhưng đủ dùng
Surface Pro 9 sở hữu các tiêu chuẩn kết nối khác nhau cho từng phiên bản. Giải thích cho điều này đến từ vi xử lý Intel mới được hỗ trợ chuẩn Thunderbolt 4.0.
Đối với phiên bản Intel, Surface Pro 9 sử hữu 2 cổng USB-C có hỗ trợ chuẩn Thunderbolt 4.0, cổng Surface Connect và cổng kết nối bàn phím Surface Keyboard. Còn đối với phiên bản sử dụng chip ARM Microsoft SQ3 sử dụng 2 cổng USB-C không có hỗ trợ thunderbolt 4.0, cổng Surface Connect, cổng kết nối bàn phím Surface Keyboard và khe cắm SIM.
Việc lược bỏ đi cổng kết nối USB-A hay HDMI trên phiên bản Surface Pro 9 và cả người tiền nhiệm Surface Pro 8 nhằm tối ưu hóa độ mỏng của thiết bị. Tuy nhiên, về cơ bản số lượng cổng kết nối trên Surface Pro 9 vẫn đủ dùng và khi cần vẫn có dock hỗ trợ mở rộng.
Màn hình 3:2 rộng rãi, hiển thị chất lượng
Giống như Surface Pro 8, Surface Pro 9 sở hữu màn hình PixelSense Flow 13 inch (2880 X 1920 pixel) với tần số quét 120Hz và tỷ lệ khung hình 3:2. Màn hình trên Surface Pro 9 không phải là vượt trội nhưng vẫn đủ tốt để hiển thị rõ ràng, chất lượng các nội dung công việc hay giải trí.
Đoạn giới thiệu tựa phim của Black Adam, có rất nhiều phân đoạn được sử dụng hiệu ứng cắt nhanh giữa các đoạn được màn hình trên Surface Pro 9 hiển thị tuyệt vời, không gây cảm giác sượng khi chuyển cảnh. Tuy nhiên, về màu sắc có phần bị đẩy hơi quá rực rỡ nhưng lại mang đến trải nghiệm xem phim rất tuyệt vời.
Trong bài thử nghiệm đo độ sáng, màn hình của Surface Pro 9 có mức độ sáng trung bình đạt 431.6 nits và đạt 447 nits ở những vùng sáng nhất. Độ sáng thực tế của Surface Pro 9 gần đúng với những gì mà Microsoft đã nói khi giới thiệu là 450 nits. Trong khi đó, máy tính bảng sở hữu màn hình có độ sáng cao nhất vẫn thuộc về iPad Pro với 587 nits.
Về khả năng hiển thị màu sắc, Surface Pro 9 đạt được khả năng hiển thị dải màu khá rộng với 106.1% gam màu sRGB và 75.1% gam màu DCI-P3 (càng gần 100% càng tốt). Tuy nhiên, iPad Pro vẫn nhỉnh hơn với khả năng bảo phủ lên đến 117.1% gam màu sRGB và 82.4% gam màu DCI-P3.
Âm thanh không ấn tượng, âm lượng vừa đủ
Surface Pro 9 sở hữu hệ thống âm thanh tương tự với người tiền nhiệm Surface Pro 8 với 2 loa được trang bị. Hệ thống âm thanh của Surface Pro 9 không được đánh giá quá cao nhưng vẫn thể hiện được âm thanh rõ ràng, tách bạch. Mặt khác, âm bass hơi yếu và mất đi vài chi tiết nên bài nhạc sẽ giảm đi đôi chút sự bùng nổ. Nhìn chung, loa của Surface Pro 9 vẫn có thể xử lý tốt nhiều dải âm khác nhau.
Về âm lượng, Surface Pro 9 có thể sẽ khiến nhiều người dùng thất vọng với âm lượng không quá to. Việc bạn muốn thưởng thức bài nhạc với âm lượng lớn đủ để lấp đầy cả căn phòng thì hoàn toàn không thể đáp ứng. Điều này có thể do việc Surface Pro 9 chỉ được trang bị 2 loa nên vẫn hụt hơi so với iPad Pro với 4 loa cho âm thanh to rõ hơn hẳn.
Hiệu năng cải thiện, SQ3 đầy tiềm năng
Trong bài viết này kiểm tra cả 2 phiên bản Intel và ARM nhưng trước tiên hãy kiểm tra xem hiệu suất của vi xử lý Intel Gen 12 trên Surface Pro 9 đã cải thiện như thế nào.
Với Intel Gen 12, Surface Pro 9 đạt được điểm số ấn tượng trong bài kiểm tra hiệu năng với Geekbench 5.4. Số điểm mà Surface Pro 9 mang lại lần lượt là 1633 điểm ở phần đơn nhân và 8541 ở phần đa nhân. Trong khi đó, Surface Pro 8 đạt được số điểm lần lượt bao gồm 1343 và 5347. Yoga 9i đến từ Lenovo lại thể hiện hiệu suất đơn nhân ấn tượng hơn với 1722 điểm nhưng lại kém hơn ở đa nhân với 7170 điểm.
Mặc dù, Surface Pro 9 đã có nhiều cải tiến ấn tượng ở bài kiểm tra Geekbench nhưng lại khó có thể so sánh được với iPad Pro đang sử dụng vi xử lý M2. Cụ thể, iPad Pro M2 đạt được số điểm lần lượt là 1862 điểm ở bài kiểm tra đơn nhân và 8500 điểm ở bài kiểm tra đa nhân.
Trong bài kiểm tra chuyển mã video từ 4K sang 1080p với phần mềm Handbrake, Surface Pro 9 đã hoàn thành nhiệm vụ chỉ trong 9 phút 34 giây. Trong khi đó, Yoga 9i Gen 7 hoàn thành tác vụ tương tự trong 12 phút 18 giây và Surface Pro 8 thì mất tới 13 phút 30 giây.
Trong bài kiểm tra đa nhiệm, Surface Pro 9 dễ dàng xử lý nhanh chóng tới 20 tab chrome đang được mở với trong đó có 1 tab đang chạy YouTube. Thậm chí, chiếc máy tính bảng đến từ Microsoft thể hiện sự mượt mà ấn tượng ngay cả khi sử dụng YouTube chạy nền.
Về khả năng xử lý đồ họa, Surface Pro 9 sử dụng nhân đồ họa tích hợp Iris Xe thay vì card rời nên có phần đuối khi xử lý các tác vụ chơi game 3D nặng nề.
Trong tựa game Sid Meier’s Civilization VI: Gathering Storm, Surface Pro 9 đạt được trung bình 24FPS ở độ phân giải 1080p và tệ hơn chỉ 17FPS khi nâng độ phân giải lên thành 1920p. Ngược lại với người tiền nhiệm, Surface Pro 8 đạt được tới 37FPS và 29FPS ở độ phân giải tương ứng. Nếu đam mê game thì bạn nên cân nhắc sử dụng Xbox Cloud Gaming hoặc GeForce Now.
Chọn Intel hay ARM trên Surface Pro 9
Bên cạnh phiên bản sử dụng vi xử lý Intel đã được đề cập ở phía trên, Surface Pro 9 còn có thêm phiên bản sử dụng vi xử lý ARM mang tên Microsoft SQ3. Tuy nhiên, vi xử lý SQ3 chưa từng được đánh giá cao về hiệu suất xử lý như Apple M2.
Điểm nổi bật của SQ3 đến từ khả năng xử lý Neural Processing Unit (NPU) mới mang đến người dùng trải nghiệm mượt mà hơn khi hội họp trực tuyến. Điển hình trong đó có thể kể đến tính năng loại bỏ tạp âm lớn để cuộc họp của bạn diễn ra thoải mái hơn, đưa người dùng vào chính giữa khung hình tương tự như Center Stage hay kết nối 5G dành riêng cho phiên bản SQ3.
Trong bài kiểm tra Geekbench 5.4, vi xử lý đạt được 1633 điểm ở phần đơn nhân và 8541 ở phần đa nhân của bài kiểm tra CPU. Trong khi đó, vi xử lý ARM chỉ đạt 1125 điểm trên đơn nhân và 5849 điểm trên đa nhân. Thật khó tin khi Intel Gen 12 mạnh mẽ hơn 45% hiệu suất đơn nhân và 46% hiệu suất đa nhân so với SQ3.
Trong bài kiểm tra chuyển mã video từ 4K xuống 1080p với phần mềm Handbrake, Surface Pro 9 sử dụng chip Intel chỉ cần 9 phút 34 giây trong khi phiên bản sử dụng vi xử lý ARM mất đến 12 phút 58 giây. Thời gian Render thể hiện hiệu suất khác biệt to lớn với gần 3.5 phút chênh lệch.
Thậm chí, phiên bản sử dụng chip Intel còn chiến thắng trong bài kiểm tra đồ họa với tựa game Sid Meier’s Civilization VI: Gathering Storm. Phiên bản Surface Pro 9 sử dụng Intel Gen 12 đạt được 24FPS ở độ phân giải 1080p và 17FPS ở độ phân giải 1920p. Còn phiên bản ARM sử dụng vi xử lý SQ3 chỉ đạt được 14 và 11FPS tương ứng.
Ưu điểm duy nhất mà phiên bản vi xử lý SQ3 mang lại đến từ thời lượng pin lên đến 11 giờ 17 phút. Trong khi phiên bản Intel chỉ đạt được thời gian onscreen tối đa 10 giờ liên tục. Với sự hỗ trợ của Snapdragon SoC nên việc quản lý hiệu suất sử dụng năng lượng trên SQ3 có phần nhỉnh hơn nhưng suy cho cùng tổng thể phiên bản Intel vẫn hoàn thiện hơn.
Thời lượng pin cải thiện so với người tiền nhiệm
Trong bài kiểm tra lướt web liên tục với phiên bản Surface Pro 9 sử dụng vi xử lý Intel mang lại 10 giờ onscreen ở điều kiện kết nối WiFi và độ sáng 150 nits. Con số này quá ít ỏi so với những gì công bố đến từ Microsoft lên đến 15.5 giờ. Tuy nhiên, khi so với Surface Pro 8 với 9 giờ 6 phút sử dụng vẫn nhỉnh hơn đáng kể. Còn iPad Pro M2 vẫn là chiếc máy có thời gian sử dụng lâu nhất lên đến 10 giờ 36 phút.
Mặt khác, khi kiểm tra nhiệt độ qua súng bắn nhiệt thì kết quả mang lại khá mát mẻ chỉ rơi vào 35.2 độ C. Điều kiện thử nghiệm là chỉ cho chạy 15 phút với video Full HD và điểm nóng nhất nằm ở phía trên bên phải của thiết bị.
Webcam và phần mềm
Webcam là thành phần cực kỳ quan trọng với những người thường xuyên tham gia các cuộc họp trực tuyến và rất đáng khen khi Surface Pro 9 được sở hữu webcam có độ phân giải 1080p ở mặt trước. Chất lượng được xếp ngang hàng với những chiếc MacBook Pro 14 hay 16 inch. Ngoài ra, Surface Pro 9 còn được tích hợp thêm camera 10MP ở mặt lưng mang lại trải nghiệm chụp ảnh tốt.
Về chất lượng, camera ở mặt trước cho chất ảnh khá tốt để tham gia các cuộc họp trực tuyến với màu da có phần ấm và sinh động hơn. Còn đối với camera sau, chất lượng ảnh vẫn đáp ứng đầy đủ nhu cầu nhưng có phần nhiễu hay và bị trôi so với camera trước.
Tất cả các phiên bản trên Surface Pro 9 đều được trang bị Windows 11 bản quyền với ứng dụng Microsoft 365 và XBox được cài đặt sẵn. Bạn có thể dùng thử cả 2 ứng dụng thông qua phiên bản Microsoft 365 Family và Xbox Game Pass Ultimate tương ứng trong 30 ngày
Surface Slim Pen 2 và Surface Pro Signature Keyboard
Surface Slim Pen 2 và Surface Pro Signature Keyboard được bán riêng và không được tặng kèm nên bạn phải mua rời trên Microsoft Store với giá 279 USD (khoảng gần 7 triệu đồng).
Bàn phím rời được kết nối với máy tính bảng là phụ kiện không thể thiếu khi sử dụng Surface. Surface Pro Signature Keyboard sở hữu hành trình phím và lực nhấn hoàn hảo cho bạn cảm giác như đang sử dụng chiếc laptop chuyên nghiệp.
Bên cạnh đó, touchpad được trang bị cũng cho độ nhạy rất ấn tượng. Mặc dù mỏng nhưng Surface Pro Signature Keyboard vẫn đảm bảo cảm giác bấm tốt và độ chịu lực tuyệt vời.
Slim Pen 2 vẫn là món phụ kiện tốt cho người dùng đồ họa, đam mê vẽ vời, kết hợp với các nhân xử lý AI cải tiến tái tạo cảm giác sử dụng rất tuyệt vời như vẽ trên giấy thật. Tuy nhiên, Apple Pencil 2 vẫn mang đến cảm giác đầy đặn như bút chì thật thay vì nhỏ gọn như Slim Pen 2 .
Tóm lại
Microsoft Surface Pro 9 vẫn là một sản phẩm đáng chú ý. Microsoft Surface Pro 9 vẫn sở hữu cho mình nhiều ưu điểm như màn hình đẹp để giải trí tuyệt vời, hiệu suất mạnh mẽ để xử lý các tác vụ công việc hàng ngày và đủ nhẹ để mang theo bên mình. Ngoài ra, chiếc máy tính bảng 2 trong 1 còn sở hữu các phụ kiện giúp bạn có được trải nghiệm sử dụng như chiếc laptop thực thụ.
Xem thêm: Dịch vụ sửa chữa Surface uy tín lấy ngay tại Hà Nội.